1. Có nên du học Canada không?
Theo Cơ quan Di trú và Quốc tịch Canada (IRCC), hơn nửa triệu du học sinh hạ cánh mỗi năm tại quốc gia này suốt những năm qua. Canada liên tiếp giữ vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng “Top 10 địa điểm du học hàng đầu trên thế giới” và được tìm kiếm nhiều nhất trên Google. Có nhiều lý do cho điều này, từ quốc gia đa dạng văn hóa, cởi mở, chất lượng giáo dục tốt, đến các trường hàng đầu, vô số kỳ quan thiên nhiên ngoạn mục và hơn thế nữa…
- Giáo dục chất lượng với các trường hàng đầu
Hệ thống giáo dục Canada được U.S. News & World Report, 2023 xếp trong Top 4 nền giáo dục tốt nhất thế giới. Canada là quê hương của một số trường đại học có danh tiếng quốc tế xuất sắc như Đại học Toronto, Đại học British Columbia, Đại học McGill, Đại học Alberta…
Hệ thống giáo dục của Canada nổi bật với sự phổ biến của các trường công lập. Chất lượng được kiểm soát và cải tiến liên tục, đáp ứng các tiêu chuẩn giáo dục cao nhất trên toàn cầu. Chương trình đào tạo do các trường đại học Canada cung cấp được đánh giá cao trên toàn thế giới về kỹ thuật giảng dạy, kiến thức thực tế và tiến bộ công nghệ. Bằng cấp học sinh, sinh viên nhận được công nhận trong môi trường quốc tế.
- Môi trường thân thiện, chất lượng cuộc sống tốt
Theo Gallup – một trong những viện thăm dò dư luận lớn nhất thế giới, Canada là quốc gia chào đón người nhập cư tốt nhất thế giới. Người Canada thân thiện, luôn sẵn sàng giúp đỡ những người mới đến, đặc biệt là các du học sinh.
Người nhập cư không bị giới hạn cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục công lập và các chính sách phúc lợi khác ở Canada. Nhiều cơ hội việc làm trên khắp Canada với mức lương tối thiểu được quy định cụ thể theo từng bang đảm bảo mức sống và công bằng cho cư dân.
- Quốc gia an toàn, đa văn hóa
Global Peace Index xếp Canada là một trong số những quốc gia an toàn và hòa bình nhất thế giới. Điều này phù hợp với việc Canada có hệ thống luật pháp, an ninh giàu tính thực thi, hạn chế tối đa tình trạng tội phạm.
Canada cũng có một xã hội thanh bình với không gian văn hóa đa dạng. Thực tế là chỉ 1/5 dân số của họ thực sự được sinh ra ở Canada. Theo Điều tra của cơ quan Statistic Canada, quốc gia này hiện có hơn 250 dân tộc có nguồn gốc hoặc tổ tiên khác nhau. Mỗi dân tộc có những nét đặc trưng phong tục, tập quán, quan điểm, lối sống, ẩm thực khác nhau.
Canada có rất nhiều lễ hội trong năm nhằm tôn vinh di sản văn hóa các cộng đồng, dân tộc. Tham gia các lễ hội hoặc thậm chí các chiến dịch tình nguyện giúp bạn mở rộng tầm nhìn với các nền văn hóa sôi động và trải nghiệm những truyền thống độc đáo tại đất nước lá phong.
Ở trường học, ngay từ khi bạn đặt chân đến khuôn viên trường, xung quanh bạn sẽ là những người thuộc mọi tầng lớp xã hội, với những nét đặc trưng ngôn ngữ, tính cách, lối sống, quan điểm, thời trang khác nhau. Điều này giúp bạn có cơ hội sống, làm việc và học hỏi với nhiều nhóm người khác nhau, mang lại kinh nghiệm, góc nhìn, lối tư duy rộng mở khác nhau. Và đây là điều mà các nhà tuyển dụng đánh giá cao trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa.
- Các thành phố nổi tiếng tốt nhất
Canada có một số thành phố sinh viên tốt nhất, phổ biến nhất, bao gồm Toronto, Montreal và Vancouver. Ví dụ, Greater Montreal được biết đến với chi phí sinh hoạt thấp. Toronto nổi tiếng là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa đa dạng, có các cơ hội việc làm hấp dẫn… Còn Vancouver xứng danh là thành phố đáng sống bậc nhất thế giới với thiên nhiên mê hoặc, chất lượng cuộc sống tốt, khí hậu ấm áp, nhiều lĩnh vực khát lao động… Ngoài các thành phố này, Canada có nhiều thành phố tuyệt vời khác trên khắp đất nước đang chờ bạn đến trải nghiệm, khám phá.
- Khả năng tiếp cận nghiên cứu
Các trường đại học Canada dẫn đầu thế giới về các lĩnh vực nghiên cứu với hệ thống cơ sở hạ tầng, công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Canada thu hút sinh viên từ khắp các châu lục với những ý tưởng nghiên cứu táo bạo và đầy sáng tạo trong hầu hết lĩnh vực. Nếu bạn cũng có ý tưởng về một cái gì đó mới lạ, các trường Canada giúp nuôi dưỡng, hiện thực hóa ý tưởng và một số công ty, tổ chức hoặc chính phủ có thể sẵn sàng đầu tư cho dự án của bạn.
- Chính sách làm việc cởi mở
Chính phủ Canada đánh giá rất cao nguồn lao động nhập cư, bao gồm sinh viên xuất thân từ các trường đại học. Điều này dẫn đến chính sách việc làm cởi mở đối với sinh viên quốc tế. Canada là một trong số ít quốc gia trên thế giới cho phép làm thêm trong khi học hơn 20 giờ/tuần.
Sinh viên hoàn tất khóa học sau trung học có thể xin Giấp phép làm việc (PGWP) lên đến 3 năm. Bất kể làm thêm tự do, làm thêm trong các chương trình co-op (thực tập hưởng lương) hay làm việc sau tốt nghiệp đều giúp sinh viên có thêm kinh nghiệm, mở rộng các mối quan hệ, phát triển các kỹ năng về ngôn ngữ, giao tiếp… Chúng được xem là nền tảng cho cơ hội tuyển dụng và xin thường trú nhân ở Canada.
- Cơ hội việc làm và triển vọng định cư cao
Theo Statics Canada, số người Canada trong độ tuổi lao động từ 55 đến 64 đạt mức cao nhất trong lịch sử điều tra dân số. Hơn 1 triệu việc làm đã bị bỏ trống trong năm 2022. Đất nước lá phong đang chứng kiến tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực.
Canada đã đặt mục tiêu chào đón hơn 1,4 triệu thường trú nhân mới vào năm 2025 và có thể phải duy trì cho những năm tiếp theo. Đồng nghĩa với điều này là cơ hội rộng mở nếu bạn học tập, tốt nghiệp một trường tại Canada và có nguyện vọng xin thường trú nhân.
2. Hệ thống giáo dục của Canada
Canada có một hệ thống giáo dục công lập mạnh mẽ được chính phủ tài trợ. Phần lớn được quản lý ở cấp độ tỉnh bang, do đó, một số khía cạnh của giáo dục có thể khác nhau giữa các tỉnh. Tuy nhiên, giáo dục được giám sát bởi chính phủ liên bang nên tiêu chuẩn giáo dục luôn ở mức cao, bằng cấp được công nhận trên toàn quốc.
- Giáo dục Tiểu học: Từ mầm non hoặc lớp 1 (6 đến 7 tuổi) đến hết lớp 8 (13-14 tuổi)
- Giáo dục Trung học: Từ lớp 9 (14 đến 15 tuổi) đến hết lớp 12 (17 đến 18 tuổi). Riêng ở tỉnh Québec là đến lớp 11 (16 tuổi). Học sinh Québec sau đó có thể chuyển sang CEGEP, loại hình trường cao đẳng hai năm được tài trợ, để chuẩn bị vào đại học hoặc hoàn tất một chương trình nghề.
- Giáo dục Đại học và Sau Đại học: Có sự tham gia của hơn 100 trường đại học và hơn 200 trường cao đẳng, bao gồm cả trường công lập và tư thục. Hơn 25.000 chương trình được giảng dạy, cấp chứng chỉ chuyên nghiệp, bằng cấp Cao đẳng, Cử nhân, Thạc sĩ, Chứng chỉ Sau Đại học.
Năm học ở Canada kéo dài từ khoảng tháng 8 hoặc 9 đến tháng 4 hoặc tháng 5 năm sau với hai kỳ nhập học phổ biến là mùa thu (bắt đầu tháng 9) và mùa đông (tháng 1). Một số trường cao đẳng, đại học có thêm kỳ hè (bắt đầu vào tháng 5). Học sinh, sinh viên quốc tế có thể tham gia vào các bậc học tại Canada và linh động chọn kỳ nhập học phù hợp.
Học sinh dưới 18 tuổi bắt buộc phải có người giám hộ và yêu cầu này được thể hiện bằng việc ký kết và công chứng giấy giám hộ để thể hiện trách nhiệm và đảm bảo tính nghiêm túc, quyền lợi cho học sinh.
Giáo dục Đại học và Sau Đại học của Canada cũng như Mỹ rất linh động cho phép sinh viên quốc tế theo những lộ trình học khác nhau dựa trên nguyện vọng nghề nghiệp, học thuật, khả năng tài chính, học lực… Học sinh có thể bắt đầu lộ trình chinh phục bằng cử nhân từ hết lớp 11 tại Việt Nam, khi chưa có chứng chỉ tiếng Anh. Rộng mở cơ hội cho sinh viên liên thông liên đại học khi hoàn tất chương trình cao đẳng 2 hoặc 3 năm.
Các trường ở Canada cũng chấp nhận sinh viên chuyển tiếp khi đang học đại học tại Việt Nam hoặc từ một quốc gia thứ ba như Singapore, Malaysia…
3. Giấy phép học tập ở Canada
Giấy phép học tập là một tài liệu do cơ quan di trú Canada cấp, dùng để cho phép sinh viên nước ngoài học tập tại Canada. Sinh viên quốc tế không thể học tập tại Canada nếu không có giấy phép học tập hợp lệ. Ngoài ra, những sinh viên có giấy phép học tập được phép đăng ký vào các Cơ sở Học tập được Chỉ định. Cơ sở giáo dục được chỉ định (DLI) là cơ sở giáo dục đã nhận được sự chấp thuận của chính quyền tỉnh hoặc vùng lãnh thổ để tiếp nhận sinh viên quốc tế.
4. Điều kiện du học Canada
Cũng như hầu hết các quốc gia khác, để vào được các trường Canada bạn cần thỏa mãn một số yêu cầu nhất định để có thể theo đuổi đến cùng các khóa học và hoạt động trải nghiệm liên quan.
- Điều kiện học lực, tiếng Anh
Tùy vào bận học, chương tình đào tạo mà điều kiện du học Canada của các trường khác nhau.
Bậc Tiểu học và Trung học
Có kết quả học tập trung bình khá trở lên
Không bắt buộc có tiếng Anh
Điều kiện du học Canada bậc Cao đẳng
Tốt nghiệp THPT, có xét điểm môn theo yêu cầu mỗi ngành
IELTS 6.0/TOEFL iBT 80 hoặc học tiếng Anh dự bị tại trường
Điều kiện du học Canada bậc Đại học
Tốt nghiệp THPT, có xét điểm một số môn theo yêu cầu mỗi ngành
IELTS 6.5 hoặc học tiếng Anh dự bị tại trường
Điều kiện du học Canada bậc Sau Đại học
Tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học đối với khóa chứng chỉ sau đại học
Tốt nghiệp đại học hệ 3 năm hoặc 4 năm đối với khóa thạc sĩ (tùy trường)
IELTS 6.5 – 7.0 hoặc học tiếng Anh dự bị tại trường
GRE/GMAT và kinh nghiệm làm việc (tùy ngành)
Đối với yêu cầu tiếng Anh, ngoài IELTS/TOEFL, nhiều trường ở Canada vẫn duy trì việc chấp nhận điểm Duolingo cho hồ sơ đăng ký tuyển sinh. Ngoài ra, tùy trường có thể yêu cầu sinh viên làm bài test tiếng Anh đầu vào thay cho các chứng chỉ tiếng Anh tiêu chuẩn.
- Điều kiện tài chính
Bạn cần chứng minh khả năng chi trả học phí, sinh hoạt phí và các chi phí khác ở Canada cho năm học đầu tiên. Đồng thời, bạn cũng cần chứng minh năng lực tài chính đảm bảo cho toàn bộ khóa học để tăng cơ hội visa. Số tiền cần chứng minh sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chương trình học, cấp học, địa điểm du học…
Bạn cần đảm bảo sức khỏe cả về thể chất và tinh thần để theo đuổi các khóa học và hoạt động bên ngoài lớp học tại Canada. Hiện sinh viên quốc tế có thời gian học dự kiến trên 6 tháng bắt buộc phải thực hiện khâu khám sức khoẻ.
5. Học phí và sinh hoạt phí tại Canada
Chi phí du học Canada rất đa dạng tùy thuộc vào cấp học, loại chương trình, hình thức ở, thói quen tiêu xài, ăn uống, nhu cầu mua sắm, giải trí… Tuy nhiên có thể ước tính mức chi phí như sau:
CHƯƠNG TRÌNH HỌC | CHI PHÍ ƯỚC TÍNH CHO MỘT NĂM HỌC |
THPT | 21.000 – 25.000 CAD (~370 – 440 triệu đồng) |
Cao đẳng | 28.000 – 30.000 CAD (~ 490 – 520 triệu đồng) |
Đại học | 30.000 – 50.000 CAD (~ 520 – 880 triệu đồng) |
Sau đại học | 2.000 – 42.000 CAD (~ 560 – 740 triệu đồng) |
Học phí các trường ở Canada
Bậc học | Học phí một năm |
THPT (lớp 9, 10,11,12) | 10.000 – 16.000 CAD |
Cao đẳng | 11.000 – 19.000 CAD |
Đại học | 21.000 – 50.000 CAD |
Sau Đại học | 22.000 – 30.000 CAD |
Sinh hoạt phí ở Canada
Ngoài học phí, sinh viên phải trả các khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày. Tùy vào khu vực học, thói quen tiêu xài, nhu cầu du lịch, giải trí… mà mức chi tiêu sinh hoạt từ 10.000 – 18.000 CAD/năm.
Chí phí nhà ở và các tiện ích liên quan
Có nhiều lựa chọn nhà ở cho sinh viên ở Canada, với mức phí phải trả như dưới đây:
- Ký túc xá: 800 – 1.500 CAD/tháng (tùy vào loại phòng, có bao gồm bữa ăn hay không)
- Homestay: 600 – 800 CAD/tháng (đã bao gồm các bữa ăn trong ngày)
- Thuê phòng/căn hộ bên ngoài: 450 – 2.000 CAD/tháng, tùy thuộc vào vị trí, điều kiện có sở vật chất, ở một mình hay chia sẻ phòng/căn hộ với người khác…)
Các tiện ích có thể đã bao gồm hoặc chưa trong giá thuê nhà/phòng, vì vậy bạn nên kiểm tra kỹ với chủ nhà trước khi quyết định thuê. Dưới đây là một số tiện ích và mức giá trung bình đi kèm:
- Tiện ích cơ bản (điện, nước, sưởi, rác): 150 CAD/tháng
- Hệ thống sưởi: 50 -100 CAD/tháng
- Internet: 50-100 CAD. Một số nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có thể có chương trình giảm giá cho sinh viên.
Chi phí thực phẩm, ăn uống
Canada cung cấp nhiều lựa chọn với tất cả các món ăn mà bạn yêu thích và có thể dễ dàng cảm thấy như ở nhà. Các thành phố lớn của Canada là nơi sinh sống của mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Họ cung cấp mọi thứ từ các cửa hàng thực phẩm đặc sản nhỏ đến các cửa hàng tạp hóa với nhiều lựa chọn thực phẩm quốc tế. Nhìn chung mức chi tiêu cho ăn uống, thực phẩm dao động từ 160 – 400 CAD/tháng.
Chi phí đi lại ở Canada
Canada có hệ thống giao thông công cộng phát triển. Xe buýt hoặc tàu điện ngầm là lựa chọn phổ biến của du học sinh vì chi phí thấp và cũng tương đối thuận tiện với t ần suất 15 – 30 phút thì có một chuyến xe. Taxi cũng là một lựa chọn nhưng thường cho các trường hợp cấp thiết vì có giá cao hơn.
- Giá vé xe buýt: khoảng 3,2 CAD cho một chiều.
- Giá vé tàu hỏa hoặc tàu điện ngầm: khoảng 3,5 CAD cho một chiều
- Giá đi taxi: Xuất phát là 4,25 CAD, cứ mỗi km tiếp theo có giá khoảng 2 CAD.
Chi phí giải trí, tập gym
- Phí cho một tháng tập gym: 56 CAD
- Vé xem phim: 15 CAD
- Vé xem hòa nhạc: 120 CAD
Chi phí du lịch ở Canada
Du học sinh chắc chắn sẽ muốn khám phá đất nước Canada khi học tập tại quốc gia xinh đẹp với hệ thống cảnh quan thiên nhiên đa dạng. Khi thực hiện một chuyến đi, bạn sẽ tốn các khoản di chuyển, lưu trú, tiền ăn. Chi phí trung bình sẽ khoảng 236 CAD/một người/một ngày.
Bảo hiểm sức khỏe
Sinh viên cần đảm bảo sức khỏe trong suốt quá trình học nên bảo hiểm sức khỏe gần như bắt buộc và rất cần thiết tại Canada. Tùy chương trình bảo hiểm, mức phí từ 500 – 1.500 CAD/năm.
Các khoản chi phí khác
- Phí ghi danh: 75 – 200 CAD (tùy trường)
- Chi phí sách vở và đồ dùng: ~ 500 CAD/học kỳ
- Phí xin visa: 235 CAD, gồm 150 CAD phí visa và 85 CAD phí sinh trắc học (Biometrics).
- Phí khám sức khỏe: 126 – 147 USD, tùy vào trung tâm y tế được chỉ định.
- Phí giám hộ học sinh dưới 18 tuổi: ~ 200 – 1.000 CAD
6. Quy trình làm hồ sơ và visa du học Canada
Bước 1: Chuẩn bị kế hoạch học tập
Bạn phải cân nhắc lựa chọn ngành học, bậc học, trường đào tạo tại Canada phù hợp với nguyện vọng học thuật, mục tiêu nghề nghiệp sở thích và học lực. Lưu ý chọn trường được chỉ định (DLI – Designated Learning Institutions) – tức những trường được Bộ giáo dục Canada công nhận đủ điều kiện tuyển sinh quốc tế. Bạn cũng cần lập ngân sách và chuẩn bị ngân sách để chứng minh khả năng chi trả cho quá trình học ở Canada.
Bước 2: Xin thư mời nhập học
Khi đã xác định ngành học, bậc học, trường đào tạo và có kế hoạch ngân sách phù hợp, bạn tiến hành thu thập các tài liệu cần thiết theo yêu cầu của từng khóa học để xin thư mời nhập học (LOA). Các tài liệu cần chuẩn bị gồm:
- Hộ chiếu còn thời hạn
- Học bạ, bảng điểm
- Chứng chỉ ngoại ngữ IELTS/TOEFL hoặc chứng chỉ tương đương (nếu có)
- Chứng chỉ GMAT/GRE (nếu có)(đối với chương trình sau đại học
- Giấy tờ chứng minh quá trình làm việc
- Các loại giấy tờ khác mà nhà trường quy định
- Chuẩn bị hồ sơ tài chính (nếu cần)
Bước 3: Xin visa du học Canada
- Đơn xin thị thực nhập cảnh
- Thư mời nhập học của trường
- Hộ chiếu
- Hình thẻ theo quy chuẩn
- Hồ sơ học tập – bảng điểm, học bạ
- Chứng chỉ tiếng Anh (nếu có)
- Thư giải trình kế hoạch học tập
- Hồ sơ tài chính của người bảo trợ
- Lý lịch tư pháp
- Tờ khai giám hộ (đối với học sinh dưới 18 tuổi)
- Giấy khám sức khỏe từ một cơ sở ý tế được chỉ định
- Các giấy tờ cần thiết khác theo yêu cầu của trường,..
Bước 4: Chuẩn bị hành trang đến Canada
Sau khi có visa du học Canada, các bạn có thể chuẩn bị hành trang cho hành trình đến với đất nước lá phong:
- Sắp xếp nhà ở và chỗ ở của bạn
- Tìm hiểu loại bảo hiểm du lịch và sức khỏe bạn cần
- Đặt (các) chuyến bay của bạn và tìm hiểu về giới hạn hành lý và các quy tắc hải quan
- Mang theo một lượng nhỏ tiền mặt của Canada hoặc Mỹ
- Đảm bảo rằng bạn có tất cả các tài liệu bạn cần mang theo bên mình, chẳng hạn như:
- Thư chấp nhận của trường
- Hồ sơ y tế
- Bất kỳ tài liệu nào mà nhà trường yêu cầu mang theo
7. Du học Canada nên chọn ở tỉnh bang nào?
-
- Tỉnh bang Ontario
Ontario đang dẫn Canada về số lượng du học sinh theo học các bậc học tại đây. Ontario là tỉnh bang lớn thứ hai ở Canada và là một trong những tỉnh đông dân nhất với 14 triệu người. Tại Ontario có thủ đô Ottawa và đại đô thị Toronto, được xem là thủ đô tài chính, tập trung nhiều ngành kinh tế trọng điểm của Canada. Bên cạnh Toronto, Ottawa, Ontario có nhiều khu vực/ thành phố nổi tiếng khác cung cấp một số lợi thế về chi phí, cơ hội việc làm định cư… như Waterloo, Brantford, Mississauga, Niagara Falls, London, Thunder Bay…
Ontario nói chung và Toronto nói riêng thu hút du học sinh không chỉ vì hệ thống giáo dục nổi bật mà còn vì cơ hội trải nghiệm, việc làm, mức lương. Ontario là ngôi nhà của nhiều hệ thống trung học, cao đẳng, đại học nổi tiếng bậc nhất của xứ lá phong, vang danh thế giới.
Top trường nổi bật ở Ontario
- Đại học Toronto University
- Đại học Toronto Metropolitan University
- Đại học Wilfrid Laurier
- Cao đẳng Humber College
- Cao đẳng Seneca College
- Cao đẳng George Brown College
- Cao đẳng Centennial College
- Cao đẳng Fanshawe College
- Cao đẳng Confederation College
- Hệ thống Trung học Toronto District
- Hệ thống Trung học Toronto Catholic
- Hệ thống trung học Ottawa-Carleton Distric…
- Tỉnh bang British Columbia (B.C)
British Columbia (B.C) là một điểm đến hấp dẫn bậc nhất Canada nhờ chất lượng cuộc sống tốt, khí hậu ôn hòa, văn hóa đa dạng, nhiều cảnh quan đẹp, hệ thống chăm sóc sức khỏe đáng tin cậy, nền kinh tế phát triển tạo ra nhiều việc làm mới…
B.C nổi tiếng có thủ phủ Victoria cổ kính. Bên cạnh đó là một thành phố Vancouver được mệnh danh là “Hòn ngọc Thái Bình Dương”, luôn nằm trong top những nơi đẹp nhất và đáng sống nhất hành tinh. Vancouver có một nền công nghiệp điện ảnh phát triển ấn tượng, hệ thống cảng biển quy mô lớn thứ 2 Bắc Mỹ. Nơi đây hiện đang đón nhận làn sóng di chuyển của các công ty, tập đoàn lớn về công nghệ tạo ra nhiều việc làm thú vị.
B.C là một trong những tỉnh có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất cả nước. Dự báo nền kinh tế B.C sẽ tạo ra 861.000 cơ hội việc làm mới giai đoạn 2019-2029.
B.C là tỉnh thu hút lượng sinh viên quốc tế cao thứ hai cả nước, chỉ sau Ontario, với hơn 118.000 du học sinh (~22%) tổng số sinh viên quốc tế tại Canada (theo Cục Giáo dục Quốc tế Canada).
Top trường nổi bật ở B.C
- Đại học British Columbia
- Đại học Simon Fraser
- Đại học Thompson Rivers
- Đại học Capilano
- Đại học Fraser Valley
- Cao đẳng Công lập Vancouver
- Cao đẳng Langara
- Cao đẳng Douglas
- Hệ thống Trung học Vancouver School Board
- Hệ thống Trung học Burnaby School District
- Hệ thống Trung học Surrey School District,..
-
- Tỉnh bang Québec
Đây là tỉnh lớn nhất và là tỉnh bang Pháp ngữ duy nhất ở Canada. Du học sinh ở Québec có thể chọn học bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp và cơ hội thông thạo cả 2 ngoại ngữ này.
Xã hội năng động và thịnh vượng Québec mang lại nhiều lợi thế cho người dân như hệ thống giáo dục xuất sắc bao gồm phí ưu đãi cho thường trú nhân, hệ thống chăm sóc sức khỏe tư nhân và công cộng đều rất tốt, môi trường sống trong lành, chi phí hợp lý cho dù là ở một thành phố lớn hay thị trấn nhỏ.
Thủ phủ Montreal của Québec được mệnh danh là “Paris thứ 2” của nhân loại, vinh dự được QS Best Student Cities xếp trong Top điểm đến du học hàng đầu dành cho sinh viên quốc tế.
Top trường nổi bật ở Québec
- Đại học Montréal
- Đại học McGill
- Đại học Sherbrooke
- Đại học Concordia
- Đại học Bishop’s
- Cao đẳng LaSalle
- Tỉnh bang Manitoba
Nằm ở phía Tây Canada, có dân số khoảng 1,3 triệu người, Manitoba là một vùng đất đầy những thị trấn thân thiện, an toàn và sạch sẽ, mang đến một phong cách sống phong phú.
Nền kinh tế của tỉnh bang chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên. Nông nghiệp là một lĩnh vực quan trọng nhờ các vùng đất trù phú phía Nam và phía Tây của tỉnh. Các ngành công nghiệp chính khác là vận tải, sản xuất, khai khoáng, lâm nghiệp, năng lượng và du lịch.
Manitoba hiện là điểm đến hàng đầu của người nhập cư, không chỉ vì giá cả phải chăng, chất lượng cuộc sống tốt mà còn vì cơ hội việc làm nhiều và dễ xin thường trú nhân (PR) với nhiều chương trình định cư hấp dẫn, yêu cầu không quá cao.
Top trường nổi bật ở Manitoba
- Đại học Manitoba
- Đại học Winnipeg
- Cao đẳng Red Rivers
- Hệ thống Trung học Pembina Trail School
- Hệ thống Trung học Winnipeg School Division
- Tỉnh bang Alberta
Alberta nằm ở phía Tây Canada, gần dãy núi Rocky, có diện tích hơn 660.000 km2, dân số hơn 4 triệu người. Alberta nổi tiếng là một trong những tỉnh giàu nhất Canada và là quê hương của nhiều tỉ phú dầu mỏ.
Nền kinh tế Alberta phát triển đa dạng về du lịch, xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp, lâm nghiệp, sản xuất, tài chính, công nghệ thông tin, logistics và chuỗi cung ứng… Cho đến nay, Alberta là một trong những tỉnh đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng việc làm của Canada.
Bên cạnh cơ hội việc làm, mức lương, chất lượng cuộc sống và chi phí sinh hoạt ở Alberta cũng là điểm hấp dẫn du học sinh. Ngoài ra, Alberta có chính sách tài chính công rất mạnh, ngoài miễn phí bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, đây còn là tỉnh bang duy nhất không thu thuế mua sắm hàng hóa dịch vụ.
Top trường nổi bật ở Alberta
- Đại học Alberta
- Đại học Calgary
- Đại học MacEwan
- Đại học St Mary’s
- Học viện Công nghệ Bắc Alberta (NAIT)
- Học viện Công nghệ Nam Alberta (SAIT)
- Cao đẳng Bow Valley
- Hệ thống Trung học Calgary Board of Education
- Hệ thống Trung học Edmonton Public Schools
- Tỉnh bang Saskatchewan
Saskatchewan có diện tích 657.000 km2, gần gấp đôi diện tích Việt Nam. Dân số khoảng 1,1 triệu người, tập trung chủ yếu ở các thành phố và các thị trấn. Saskatchewan có cộng đồng bản địa gốc Âu chiếm ưu thế. Nơi đây có một nền kinh tế phát triển mạnh và đa dạng lĩnh vực. Trong đó đặc biệt là khai khoáng, dầu mỏ khi Saskatchewan rất giàu tài nguyên khoáng sản, chỉ sau Alberta.
Với nền giáo dục tuyệt vời, chất lượng cuộc sống cao, chi phí sinh hoạt phải chăng, hoạt động cộng đồng phong phú, tỉ lệ thất nghiệp thấp, chính sách chăm sóc sức khỏe miễn phí… Saskatchewan ngày càng được sinh viên nước ngoài yêu thích và lựa chọn khi du học Canada.
Top trường nổi bật ở Saskatchewan
- Đại học Saskatchewan
- Đại học Regina
- Saskatchewan Polytechnic
- Hệ thống Trung học Công giáo Saskatoon Catholic Schools
- Tỉnh bang Nova Scotia
Nova Scotia là một trong những tỉnh có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và trù phú tại vùng biển phía Đông Nam Canada. Sinh viên tận hưởng môi trường học trong lành với chi phí phải chăng ở Nova Scotia. Nova Scotia là bằng chứng sống động về các món ăn địa phương tuyệt vời do những người nhập cư mang đến như những món ngon nhất của Ấn Độ, Ý, Bồ Đào Nha…
Nova Scotia cũng mang đến cơ hội tuyệt vời cho tất cả sinh viên quốc tế để đảm bảo một công việc trong ngành công nghệ hoặc có thể bắt đầu kinh doanh. Được biết đến là một trong những trung tâm của sự đổi mới, Nova Scotia sẽ là điểm đến hấp dẫn cho những ai đam mê công nghệ thông tin.
Cơ hội xin thường trú nhân rộng mở cho sinh viên với Chương trình Định cư Đại Tây Dương, được xem là một trong những chương trình định cư Canada thông thoáng nhất hiện nay.
Top trường nổi bật ở Nova Scotia
- Đại học Dalhousie
- Đại học Acadia
- Đại học Saint Mary’s
- Đại học Cape Breton
- Hệ thống Trung học Nova Scotia
- Tỉnh bang New Brunswick
New Brunswick là một tỉnh xinh đẹp ở Bờ Đông Canada với ảnh hưởng đáng kể của châu Âu. Chúng ta có thể thấy sự phản ánh của những xu hướng văn hóa này ở khắp mọi nơi. New Brunswick là một tỉnh song ngữ với gần 70% dân số nói tiếng Anh và hơn 30% dân số nói tiếng Pháp.
Tại New Brunswick có tất cả, từ những cộng đồng thân thiện đến những trung tâm đô thị sôi động, từ những bờ biển hùng vĩ đến những con đường mòn trên địa hình đồi núi. New Brunswick mang đến một phong cách sống khác biệt, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, môi trường an toàn và đảm bảo cũng như đánh giá cao kỹ năng và kinh nghiệm của những người mới đến.
Với mức chi phí cuộc sống hợp túi tiền, dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn cầu do chính phủ tài trợ và dễ dàng tiếp cận các trung tâm đô thị phía đông Canada, New Brunswick đang nhanh chóng trở thành điểm đến được lựa chọn cho sinh viên quốc tế.
Top trường nổi bật ở New Brunswick
- Đại học New Brunswick
- Mount Allison University
- New Brunswick Community College (NBCC)
- Yorkville University
- Crandall University
- Đảo hoàng tử Edward (Prince Edward Island)
Đảo Hoàng tử Edward (PEI) nằm ở vùng Maritimes phía Đông Canada, được biết đến với vẻ đẹp tự nhiên nổi bật – những ngọn đồi thoai thoải, rừng cây, bãi biển đầy cát và các vịnh nhỏ ven biển…
Tại Prince Edward Island, bạn sẽ không muốn bỏ lỡ cơ hội đến thăm ngôi nhà của nhân vật chính trong tiểu thuyết Canada nổi tiếng thế giới, Anne of Green Gables. Thành phố thủ phủ Charlottetown của tỉnh mang đến sự bình yên cho cuộc sống của một thành phố nhỏ trong khi vẫn đảm bảo đầy đủ các dịch vụ đẳng cấp và bao trùm bởi một lối sống cộng đồng với các lễ kỷ niệm văn hóa đầy màu sắc.
PEI được biết đến là nơi tiết kiệm chi phí nhất ở Bắc Mỹ cho các dịch vụ phát triển phần mềm, gia công cơ khí chính xác, sản xuất hóa chất đặc biệt cũng như các hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học sinh học. Vì vậy, PEI có nhu cầu lao động khá cao. Sinh viên tốt nghiệp có thể tìm thấy các cơ hội việc làm thú vị với triển vọng định cư cao qua chương trình Đề cử tỉnh bang – Prince Edward Island Provincial Nominee Program, Chương trình định cư Đại Tây Dương Atlantic International Graduate Program và Express Entry.
Trường học nổi bật ở Prince Edward Island
- Đại học Prince Edward Island (UPEI)
- Holland College
- Trung học The Prince Edward Island International Student Program (PEIISP)
- Tỉnh bang Newfoundland – Labrador
Ngày càng nhiều sinh viên quốc tế đến Newfoundland học tập để phát triển sự nghiệp. Bởi Newfoundland có một nền văn hóa độc đáo và một lịch sử đáng tự hào. Người dân địa phương, thường được gọi là “Newfies”, nổi tiếng vì sự chào đón đặc biệt đối với những người mới đến tỉnh của họ. Ở Newfoundland, bạn có thể tìm thấy môi trường thực sự trong lành, tĩnh lặng và cơ hội.
Sinh viên theo học bậc đại học hoặc sau đại học ở Newfoundland có thể tạo cho mình bệ phóng vào một số ngành nghề có nhu cầu cao ở tỉnh, nơi đã trải qua sự bùng nổ năng lượng và tài nguyên kể từ đầu thế kỷ.
Cơ hội định cư rộng mở với các chương trình Đề cử tỉnh bang – Newfoundland and Labrador Provincial Nominee Program, Chương trình định cư Đại Tây Dương – Atlantic International Graduate Program (AIGP) và Express Entry.
Trường học nổi bật ở Newfoundland – Labrador
- Đại học duy nhất của tỉnh – Đại học Memorial
- College of the North Atlantic
8. Chọn ngành du học tại Canada
Kinh doanh và tài chính
Tài chính đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của một quốc gia. Việc sở hữu bằng cấp về lĩnh vực này sẽ giúp bạn có được những hiểu biết tuyệt vời về lập kế hoạch, quản lý và phân tích các khía cạnh tài chính của doanh nghiệp, ngân hàng và các tổ chức khác. Kinh tế là một lĩnh vực khác với phạm vi nghề nghiệp tuyệt vời. Canada giữ vị trí thứ 8 trong số 10 quốc gia giàu nhất thế giới (theo Rediff Business) với nền kinh tế phát triển ổn định, GDP tăng liên lục mỗi năm. Không chỉ hưởng lợi từ thị trường việc làm rộng mở, sinh viên còn có cơ hội học tập, thực hành với những nhà kinh tế hàng đầu, tiếp cận nguồn tài liệu đa dạng và cập nhật.
Công nghệ thông tin
Công nghệ là lĩnh vực phát triển mạnh ở Canada trong hơn một thập kỷ qua. Lĩnh vực này hứa hẹn còn phát triển mạnh hơn nữa khi tác động của Covid-19 đang thúc đẩy nhu cầu dịch vụ công nghệ trên khắp Canada. Riêng năm 2019, tỉ lệ tăng trưởng việc làm trong ngành là 3,6% theo khảo sát của CompTIA Cyberprovaces. Cùng với triển vọng tăng trưởng việc làm tích cực, các chuyên gia công nghệ ở Canada có mức lương trung bình vào hàng cao nhất cả nước với khoảng 87.300 CAD/năm. Trong đó, khoảng 10% chuyên gia có thu nhập trung bình khoảng 123.250 CAD/năm.
Kỹ thuật
Đây là lĩnh vực phát triển khá nhanh tại Canada và đã tạo ra hơn 8.000 việc làm mới trong năm 2018. Miền Trung Canada (Ontario và Quebec) với sự phát triển sản xuất mạnh mẽ là thị trường việc làm tốt nhất cho các kỹ sư. Tiếp theo đó là các thành phố Toronto, Montreal, Edmonton và Calgary.
Các kỹ sư có kỹ năng về AutoCAD, CATIA hoặc các phần mềm CAD khác được săn đón vào thời điểm này ở Canada. Mức lương trung bình hàng năm của sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật là 81.700 CAD.
Chăm sóc sức khỏe, y tế
Canada có hệ thống y tế công cộng đáng tin cậy bậc nhất thế giới và luôn có nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực được đào tạo để giúp người dân duy trì và nâng cao sức khỏe. Đặc biệt khi đại dịch Covid-19 diễn ra, nhu cầu đó càng trở nên mạnh mẽ và cấp thiết hơn. Đó là lý do đầu năm nay, Canada đã ưu tiên xét duyệt định cư cho 20.000 lao động tạm thời phục vụ trong ngành chăm sóc sức khỏe của Canada. Trong tương lai, nhiều vị trí sẽ cần lấp đầy do tình trạng già hóa dân số, lực lượng lao động y tế về hưu ngày càng nhiều, tỉ lệ người nhập cư ngày càng tăng… cần các dịch vụ chăm sóc y tế trong nhiều khía cạnh.
Giáo dục mầm non
Trong giai đoạn 2019-2028, số lượng việc làm mới cho các vị trí giáo dục mầm non dự kiến là 81.700, xuất phát từ nhu cầu mở rộng các cơ sở giáo dục, chăm sóc trẻ độ tuổi nhà trẻ và nhu cầu thay thế lực lượng lao động về hưu. Sinh viên tốt nghiệp có cơ hội nghề nghiệp rộng mở tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập hoặc tư thục, làm gia sư, bảo mẫu, trợ lý ở những trung tâm giáo dục, tổ chức vì sức khỏe trẻ em, các tổ chức phi chính phủ vì quyền lợi trẻ em… Mặc dù giáo dục mầm non có mức lương trung bình không cao nhưng cơ hội việc làm ổn định, xin thường trú nhân dễ dàng nên đây là một trong những lựa chọn phổ biến của những sinh viên thích công việc chăm sóc trẻ em và mong muốn xây dựng cuộc sống lâu dài ở xứ lá phong.
Hậu cần và chuỗi cung ứng
Lĩnh vực hậu cần và chuỗi cung ứng gồm tất cả những gì liên quan đến các sản phẩm của một công ty, từ khai thác tài nguyên đến xử lý, sản xuất, vận chuyển, lưu kho, mang sản phẩm đến tay người tiêu dùng và cần có những người làm việc trong toàn bộ chuỗi này để đảm bảo sản phẩm được di chuyển đúng cách. Vì có rất nhiều bước trong lĩnh vực hậu cần, chuỗi cung ứng và hàng tấn sản phẩm ngoài kia, nên những người làm việc trong lĩnh vực này luôn có nhu cầu, đặc biệt khi tầm nhìn về chuỗi cung ứng được nâng cao hơn nữa do tác động của Covid-19. Các công ty hàng đầu Canada và quốc tế như Walmart, Toyota, Apple, Loblaw và BlackBerry hướng tới sử dụng các chuỗi cung ứng như một lợi thế cạnh tranh giành thị phần và gia tăng lợi nhuận.
9. Chính sách việc làm ở Canada
Canada là một trong số ít quốc gia duy trì chính sách việc làm cởi mở cho sinh viên quốc tế. Quốc gia này cho phép sinh viên làm thêm trong khi học và sau khi tốt nghiệp. Chính sách làm thêm của Canada tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế có cơ hội để tích lũy kinh nghiệm làm việc có giá trị; kết nối và xây dựng mối quan hệ với các nhà tuyển dụng; và tất nhiên là việc kiếm được một khoản tiền giúp trang trải chi phí học tập.
Làm thêm trong khi học
Từ tháng 11/2022, sinh viên quốc tế ở Canada đã được phép làm việc ngoài khuôn viên trường mà không còn bị giới hạn bởi quy tắc 20 giờ mỗi tuần như trước đây. Sinh viên quốc tế được phép làm thêm trong trường lẫn ngoài trường.
Làm việc sau tốt nghiệp
Canada cho phép sinh viên hoàn tất một chương trình học full-time (ít nhất 8 tháng) xin Giấy phép làm việc sau tốt nghiệp (PGWP) với thời gian tương ứng độ dài khóa học chính trước đó. Thời gian tối đa lên đến 3 năm. Sinh viên có thể nộp hồ sơ xin định cư ngay sau khi học hoặc sau 1 năm làm việc (tùy yêu cầu của các chương trình định cư mà sinh viên nộp hồ sơ).
10. Học bổng du học Canada
Học bổng du học Canada giúp tài trợ một phần chi phí học tập, đồng thời giúp sinh viên có thêm động lực học tập. Các trường tại Canada cung cấp đa dạng chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính cho sinh viên, giá trị từ 10-50%.
Yều cầu chung:
- Có thành tích học tập tốt, GPA nên từ 8.0
- Có chứng chỉ IELTS/TOEFL cao hơn yêu cầu đầu vào
- Thành tích hoạt động ngoại khóa
- Giải thưởng, chứng nhận (nếu có)